Tổng cục Đường bộ sẽ vào cuộc theo hướng không để nhà đầu tư tự ý dừng hoạt động cầu Hạc Trì (Phú Thọ).
Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì vừa có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng việc thua lỗ liên quan đến thu phí cầu Hạc Trì (cầu Việt Trì mới). Theo đó, từ 1/8, lượng xe cơ giới lưu thông qua cầu Hạc Trì giảm rõ rệt, doanh thu thu phí chỉ còn khoảng 200 triệu đồng mỗi ngày, trong khi theo phương án tài chính phải đạt gần 400 triệu đồng mỗi ngày.
Lý giải nguyên nhân thua lỗ, BOT cầu Việt Trì cho biết do từ 1/8, người dân đã phá vỡ ụ chắn bê tông lên cầu Việt Trì cũ nên đại đa số phương tiện lưu thông qua cầu này để được miễn phí thay vì đi cầu Hạc Trì. Trong khi, cầu cũ được xác định là xuống cấp nghiêm trọng, đã cắm biển cấm xe cơ giới song cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ không có biện pháp ngăn chặn xe đi lên.
BOT cầu Việt Trì kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục cấm xe lưu thông trên cầu Việt Trì cũ để đảm bảo cho nhà đầu tư thu hồi vốn đầu tư cầu Hạc Trì theo cam kết khi kêu gọi đầu tư.
“Trước nguy cơ thua lỗ, không có khả năng vận hành trạm thu phí, chúng tôi xin dừng hoạt động cầu Hạc Trì sau 15 ngày nếu cơ quan chức năng không có biện pháp giải quyết vụ việc thấu đáo, không bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư”, văn bản kiến nghị của BOT cầu Việt Trì nêu rõ.
![]() |
Nhiều xe cơ giới đi lên cầu Việt Trì để được miễn phí cho dù đầu cầu có biển cấm xe cơ giới. Ảnh: Phương Linh |
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ, cho biết, với nhu cầu đi lại của người dân địa phương trên cầu Việt Trì, Tổng cục Đường bộ đang nghiên cứu phương án sửa chữa cầu Việt Trì cũ để cho xe dưới 7 chỗ qua cầu này. Như vậy, nhà đầu tư BOT cầu Việt Trì sẽ phải tính toán lại phương án tài chính của dự án cầu Hạc Trì, nếu doanh thu sụt giảm thì có thể kéo dài thời gian hoàn vốn để đảm bảo khả năng tài chính.
“Tổng cục Đường bộ sẽ giám sát lưu lượng xe qua cầu Hạc Trì và cầu Việt Trì, cùng bàn bạc phương án tài chính của dự án BOT, không thể để nhà đầu tư tự ý dừng hoạt động cầu Hạc Trì”, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định.
Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, cầu Việt Trì hiện gắn biển cấm xe cơ giới, vì vậy việc xử lý xe cơ giới lên cầu thuộc về chính quyền địa phương.
![]() |
Mặc dù đã có biển cấm xe cơ giới nhưng nhiều xe vẫn đi lên cầu Việt Trì. Ảnh: Phương Linh. |
Cầu Hạc Trì hoàn thành tháng 12/2015, sau đó cầu Việt Trì cũ được gắn biển cấm xe cơ giới đường bộ do tình trạng xuống cấp của cầu này, chỉ cho phép tàu hỏa lưu thông, cơ quan chức năng cũng đặt ụ bê tông để ngăn xe cơ giới lên cầu.
Tuy nhiên, từ đầu năm nay, nhiều người dân khu vực phường Bạch Hạc, TP Việt Trì đã thường xuyên tụ tập phản đối việc cơ quan chức năng cấm xe lên cầu Việt Trì cũ. Giải thích lý do không đi cầu mới, người dân cho rằng, họ phải đi xa thêm 3-4km so với chặng đường qua cầu Việt Trì cũ. Ngoài ra, mức phí 35.000 đồng mỗi lượt xe dưới 12 chỗ tại trạm thu phí cầu Hạc Trì khá cao. Đỉnh điểm là từ 1/8, nhiều người dân đã phá bỏ các ụ chắn lên cầu Việt Trì cũ để xe cơ giới có thể qua lại, mặc dù hai đầu cầu vẫn có biển cấm.
Theo ông Vũ Văn Mạnh, Giám đốc điều hành BOT cầu Việt Trì, nhà đầu tư đã giảm 60% phí cho ôtô của người dân sinh sống tại phường Bạch Hạc khi lưu thông qua cầu Hạc Trì, song người dân chưa đồng ý mà muốn tiếp tục sử dụng miễn phí cầu Việt Trì cũ.
Theo kết quả giám định mới nhất của Tổ công tác Bộ Giao thông tại cầu Việt Trì, với hiện trạng hư hỏng bản mặt cầu, việc tổ chức phương án giao thông như trước đây (khai thác với tất cả xe ôtô, xe máy, xe thô sơ) tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, gây ùn tắc vào những giờ cao điểm, lễ tết. |
Độ dài: 795 chữ